Tính hợp pháp Bitcoin

Tính hợp pháp của Bitcoin trên thế giới

Vì tính chất ẩn danh trong giao dịch, Bitcoin được tội phạm mạng quan tâm. Tuy nhiên, cũng giống như các loại tiền tệ khác, Bitcoin cũng như vàng hay tiền mặt, đều được dùng như vật trung gian để rửa tiền. Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ về Bitcoin ngày 18 tháng 11 năm 2013, Cục Phòng Chống Tội Phạm Tài chính Hoa Kỳ (FinCen) đã nói rằng: Tiền mặt vẫn là công cụ rửa tiền chính. Bitcoin không phải là kênh rửa tiền lý tưởng vì tất cả giao dịch đều được công khai. Cũng trong cùng ngày, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Ben Bernanke đã nêu ra quan điểm rằng giữ Bitcoin về lâu dài mang lại nhiều hứa hẹn.[114]

Tháng 9 năm 2015, Ủy ban giao dịch hàng hoá tương lai Mỹ (CFTC) công bố, Bitcoin đã chính thức được đưa vào danh sách hàng hóa được phép giao dịch tại Mỹ.[115] Phần lớn các cơ quan trong chính phủ Mỹ đều đã tán thành việc sử dụng Bitcoin. Đơn cử, Ủy ban bầu cử liên bang Mỹ (FEC) muốn chấp nhận quyên góp qua Bitcoin.[116]

Theo phán quyết của Tòa án tối cao châu Âu vào tháng 10 năm 2015, Bitcoin sẽ được phép giao dịch như các đơn vị tiền tệ thông thường mà không bị đánh thuế tại châu Âu.[117]

Tháng 11 năm 2015, truyền thông tại Việt Nam rộ lên tin tổ chức khủng bố ISIS có thể nhận viện trợ bằng Bitcoin. Tuy nhiên, vào ngày 27 tháng 1 năm 2016, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) đã ra báo cáo chính thức rằng họ không tìm thấy bất cứ một sự liên hệ nào giữa Bitcoin và tổ chức khủng bố này.[118]

Tại thời điểm đầu năm 2017, Malta đã đưa Bitcoin và công nghệ blockchain vào chiến lược quốc gia.[119] Thụy Điển và Nhật cũng đã chấp nhận Bitcoin như một phương thức thanh toán chính thức. Chỉ có duy nhất 3 quốc gia đã ra lệnh cấm giao dịch Bitcoin, bao gồm: Bangladesh, Bolivia, Ecuador. Một số quốc gia như Mỹ, Nhật, Thụy Điển cho phép giao dịch Bitcoin nhưng bắt buộc các sàn giao dịch phải tuân thủ một số quy định trong ngân hàng như KYC/AML và kiểm toán nội bộ. Phần lớn các quốc gia còn lại (bao gồm Việt Nam) đều để Bitcoin ở trạng thái không quản lý hoặc không rõ ràng. Việc thiếu quản lý và không rõ ràng trong luật pháp đã làm cho thông tin về tiền ảo nói chung trở nên mơ hồ, để xảy ra tình trạng tồn tại những quan điểm ngờ vực về Bitcoin và tạo ra các lỗ hổng cho những mô hình lừa đảo Ponzi khai thác.

Tính hợp pháp tại Việt Nam

Hiện tại, chưa có bất kỳ quy định hay khung pháp lý nào để quản lý việc giao dịch Bitcoin từ phía Chính phủ: Tháng 2 năm 2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra thông cáo báo chí[120], trong đó nêu rõ: việc sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Ngoài ra, Bộ Công Thương hiện tại vẫn chưa công nhận Bitcoin là hàng hoá hay dịch vụ[121], phủ nhận thẩm quyền của mình đối với Bitcoin. Việc này cũng đồng thời bãi bỏ cơ sở để thu thuế Bitcoin vì không thể đưa được Bitcoin vào danh mục hàng hóa hay dịch vụ để thu thuế trong một vụ án đầu tiên tại Việt Nam liên quan đến tiền ảo xảy ra tại Bến Tre năm 2017.[122]

Ngày 21 tháng 8 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, trong đó có Bitcoin. Đây là tín hiệu chính thức từ phía Chính phủ rằng các giao dịch Bitcoin sẽ được hợp pháp hóa vào tháng 8 năm 2018[56] với khả năng phân loại Bitcoin vào danh mục tài sản ảo[123].

Như vậy, việc giao dịch, sở hữu, đào Bitcoin tại Việt Nam không phải là vi phạm pháp luật mà là chưa được điều chỉnh. Thực tế, “chưa điều chỉnh” là dạng hợp pháp tốt nhất cho doanh nghiệp vì không bị ràng buộc bởi các quy định. Việc "thanh toán" sử dụng Bitcoin cũng không vi phạm pháp luật, bời khi không công nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán thì cũng đồng nghĩa với việc trao đổi giữa hàng hóa và Bitcoin không phải là thanh toán theo định nghĩa của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh Bitcoin trong nước đã bị hạn chế bằng các phương pháp hành chính khác từ phía Chính phủ[124].